Đi chợ “ngoại” ở Sài Gòn

Cùng với hàng trăm ngôi chợ của người Việt tại Sài Gòn, những khu chợ phục vụ khách nước ngoài và cả nội địa vẫn lặng lẽ phát triển cả chục năm qua, chở theo những đặc sản của từng nước.

Một ngày cuối tuần là dịp để bước vào những khu chợ này và khám phá.

Các loại rau củ, đặc biệt là ớt, gừng, củ riềng… được khách Hàn Quốc thường xuyên mua ở chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình – Ảnh: lê quang nhật

Mua cá, mua khô ở chợ Campuchia

Chợ Lê Hồng Phong, hay còn gọi là chợ Campuchia, chợ Nam Vang, nằm hút sâu trong một con hẻm nhỏ (hẻm 734 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10). Cũng bánh bò, chè, bánh lọt như người Việt, nhưng bao giờ cũng chế biến bằng đường thốt nốt. Quần áo, trang sức, thậm chí dây buộc tóc cũng đính đá lấp lánh, đủ hoa văn sắc màu đúng kiểu Campuchia.

Theo chân vợ chồng anh Huỳnh Minh Quang, người Việt gốc Campuchia, hiện làm việc ở quận 5, chúng tôi bước vào quán bún Tư Xê, nơi còn giữ đúng điệu nhất loại bún Num Bo Chóc chỉ có ở xứ Nam Vang. Chủ nhật quán đông nên thực khách phải chờ đợi trong sự thấp thỏm hết bún vì chủ quán làm số lượng bún chỉ đủ bán từ 7g-10g sáng. Tìm được chỗ ngồi, dù dưới trời nắng chang chang khách cũng phải chờ thêm 15-20 phút mới chắc chắn có được tô bún cá ngon lành bưng ra. Ấy vậy mà anh Quang, cũng như hàng chục thực khách khác chẳng lấy làm phiền.

“Tui ăn bún chỗ này từ lúc còn nhỏ xíu, lúc ở đây còn toàn là bùn sình, người thưa thớt lắm. Giờ cả tuần đi làm, chỉ trông có sáng chủ nhật để được đi ăn, đâu có chỗ nào bán nữa, chờ bao nhiêu cũng thấy sướng!” – anh Quang giải thích.

Cứ thế, người Campuchia, người Việt cùng xì xụp tô bún đậm đà vị mắm Num Bo Chóc, trắng nõn cá lóc được lấy thịt rất khéo. Được biết, quán ra đời từ năm 1972, trước bán hủ tiếu Nam Vang, sau là bún Num Bo Chóc. Sau 40 năm thì đây không chỉ là chỗ ăn sáng nữa, mà còn là chốn đi về quen thuộc để cộng đồng người Campuchia, người Việt gốc Campuchia gặp gỡ, trao đổi công việc làm ăn một cách thân tình nhất.

Bà Huỳnh Thị Huôi bên quán chè Campuchia của mình – Ảnh: Như Hà

Nhưng đặc sản “rất Campuchia” ở khu chợ này là cá tra Biển Hồ, khô cá lóc, cá sấy, cá sặt Campuchia. Những con cá tra dài gần nửa mét được treo lủng lẳng trên từng sạp hàng, vàng ươm óng mỡ, cá lóc khô xâu thành từng chuỗi ngay ngắn, ngon lành thu hút không ít khách du lịch Tây ta, nhất là Việt kiều ghé đến hỏi mua nhộn nhịp cả buổi sáng. Giá trung bình của khô cá tra là 250.000 đồng/kg, có đóng gói 270.000 đồng/kg. Có cả hẳn “dây chuyền” đóng gói cá khô, mắm đi nước ngoài, xuất phát từ chính nhu cầu của những vị khách phương xa.

Bà Lê Xuân Khải (Việt kiều Mỹ) cho biết: “Má tui là người Campuchia, lần trước có người về đây mua khô ở chợ này. Má ăn thử khen nức nở vì đúng là của Campuchia, vậy là bắt tui về đây phải đóng gói đem qua đó cho bằng được!”.

Các hộ kinh doanh ở đây hầu hết có gốc gác từ Campuchia, buôn bán theo kiểu truyền thống gia đình cha truyền con nối, anh em cùng làm, bắt đầu từ những năm 1970 khi có một số lượng lớn người Campuchia đến sinh sống tại Sài Gòn. Chính vì thế, hình ảnh quen thuộc nhất ở đây là rất nhiều phụ nữ tóc bạc phơ vẫn ngồi buôn bán cùng con cháu trước sạp, như là phần tinh hoa, cội nguồn nhất của khu chợ này. Bà Huỳnh Thị Huôi (chủ quán chè Campuchia) cho biết: “Cứ hai, ba ngày là má tui, năm nay 75 tuổi, lại đi xe đò qua Campuchia lấy bí, hột me, nước dừa… về đây cho cả nhà nấu chè bán, không đi thì lại than thở là nhớ lắm”.

Khô cá tra Biển Hồ bán tại chợ Lê Hồng Phong, Q.10 – Ảnh: Như Hà

Từ đầu mối món ăn xứ Hàn…

Nằm khiêm tốn chỉ một đoạn đường ngắn Tân Sơn Hòa, ngay sát chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình), nhưng khu chợ bán thực phẩm Hàn Quốc lại luôn là điểm đến tin cậy của cộng đồng người Hàn Quốc tại Sài Gòn nhờ hàng hóa đa dạng và giá cả phải chăng.

Có mặt tại sạp Cúc Tuyền nằm ngay trong lòng chợ Phạm Văn Hai, bạn Lê Thị Phương Trang, du học sinh Hàn Quốc về Việt Nam nghỉ hè, cũng không khỏi bất ngờ với sự phong phú của thực phẩm Hàn Quốc ở đây với 200-300 chủng loại. Tất cả yêu cầu của cô bạn này từ tokbokki, ớt bột, rong biển cuốn kimbap, bạch quả, kim chi, gà hầm nhân sâm, thậm chí cả lá mè, ớt xanh… đều nhanh chóng được đáp ứng. Phương Trang nhận xét: “Thật sự là hương vị, nhãn hiệu đều đúng kiểu Hàn Quốc, không bị địa phương hóa”.

Bà Cúc Tuyền, chủ sạp, không khỏi tự hào về sự đầy đủ này: “Tôi kinh doanh thực phẩm Hàn Quốc từ hơn 10 năm nay, khi người Hàn chỉ mới bắt đầu đổ sang đây, sống tập trung nhiều ở khu vực này (phường 3, quận Tân Bình – PV) và họ liên tục vào chợ hỏi thực phẩm Hàn. Hàng ở đây cứ theo yêu cầu của họ mà tăng lên đến mức đầy đủ như bây giờ, tôi cũng nhờ đó mà có rất nhiều bạn hàng nhập khẩu thực phẩm từ Hàn Quốc về đây”.

Được biết, trước đây hầu hết các bà nội trợ Hàn đi chợ đều không biết tiếng Việt nên người bán luôn phải mang theo từ điển để giao dịch với họ, giờ thì nhiều người nói tiếng Việt cực giỏi, trả giá còn tốt hơn cả người Việt! Ngoài người Hàn, ngay cả người Việt, đặc biệt là giới trẻ, cũng thường xuyên lui tới mua hàng về tự nấu hoặc bán trên mạng.

Bạn Đinh Ngọc Thúy Hoa, sinh viên Đại học Huflit, hào hứng: “Chúng tôi xem phim thấy người Hàn Quốc ăn tokbokki, kimbap, mì chachang rất lạ, thế nên cũng mua đồ ở đây về làm thử xem thế nào. Ăn xong thì ghiền, thế là chuyển qua bán trên mạng, đặc biệt giao hàng rất nhiều ở các khu vực trường học cấp II, cấp III”.

Khu chợ này còn là đầu mối của rất nhiều cửa hàng, siêu thị chuyên bán thực phẩm Hàn Quốc tại quận 7, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thậm chí cả vùng ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi (những khu vực có nhiều công ty Hàn Quốc). Không chỉ thực phẩm đóng hộp, ngay cả kim chi, rau cải tươi sống của Hàn cũng được đóng thùng chuyển đến các địa chỉ này mỗi ngày.

Chọn mua thực phẩm trong cửa hàng Nhật – Ảnh: Như Hà

… đến siêu thị mini Nhật

Khác với hình ảnh thân thuộc, gần gũi với văn hóa chợ người Việt, các khu vực kinh doanh thực phẩm, hàng hóa của người Nhật lại đi vào các chuỗi siêu thị mini khá phát triển với gần như toàn bộ thực phẩm, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm đều xuất phát từ Nhật, từ cây tăm nhỏ xíu, sợi rong biển mỏng manh đến bánh kẹo, chén bát… Một số cái tên tiêu biểu có thể nhắc đến như: Akuruhi, chuỗi cửa hàng đồng giá Daiso.

Các siêu thị dạng này tập trung khá đông ở những nơi có người Nhật như đường Lê Thánh Tôn (quận 1), đường Phạm Văn Hai, Cộng Hòa (quận Tân Bình). Khách đến siêu thị không chỉ có các gia đình Nhật Bản mà còn khá đông người Việt đến mua. Cô Trần Thị Bích Liên, một người đã về hưu, cho biết thêm: “Đồ Nhật có nhiều thứ tốt cho sức khỏe, đặc biệt là thực vật và cá nên tôi thường mua về nấu cho cả gia đình cùng ăn!”.

Trên đường Võ Văn Kiệt (số 328, quận 1) cũng có một siêu thị nhỏ nằm trong góc khuất của khu chợ Nga với đầy đủ bánh mì đen, xúc xích, thịt hộp, cá trích và cả các sản phẩm, đồ chơi lưu niệm. Nhiều sản phẩm được lấy từ Nga, cũng có loại được mang về từ Vũng Tàu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại đây khách chủ yếu là người nước ngoài mua quần áo xuất khẩu, áo ấm để mặc mùa đông, không mấy ai tìm đến siêu thị mini hàng hóa của Nga bên trong.

Tiệm chè Campuchia

Chợ Lê Hồng Phong là nơi duy nhất bán chè Campuchia nguyên bản tại Sài Gòn. Các món chè ở đây gồm chè thốt nốt, chè hột me, chè bí đỏ, chè trứng Thái, chuối ngào đường, xôi xiêm… Tất cả nguyên vật liệu đều được lấy về từ Campuchia và được cả gia đình bà Huỳnh Thị Huôi chế biến rất tinh tế. Chẳng hạn hột me nấu chè phải được rang lên, đập vỏ, phơi nắng rồi ngâm nước mới có thể thơm mềm không khác gì hạt đậu. Chuối nướng ở đây phải phơi ba nắng nhưng lại không dùng nước dừa, chỉ sử dụng vị chuối nguyên chất.

Bà Huôi cho biết: “Má tui là người Campuchia, dạy tui nấu từ bên đó, qua đây bán cũng được 30 năm rồi, từ lúc khách tới quán còn ngồi bệt ăn chè kiểu Campuchia cho tới lúc lên bàn lên ghế như bây giờ. Nhiều người gốc Campuchia ở Vĩnh Long, Vũng Tàu thèm chè cũng chịu khó lặn lội ghé vô đây mua 10, 15 bịch chè về nhà”.

Từ khóa >> Sua tu lanh quan 4