Mặc dù đang vào mùa cao điểm thu hoạch hồng quả nhưng hiện nay, nhiều vườn hồng chín đỏ ở Đạ Sar (Lạc Dương), thị trấn D’Ran (Đơn Dương), Xuân Trường (TP Đà Lạt) vẫn không có người mua…
Bà Võ Thị Huệ (xã Đạ Sar- Lạc Dương), cho biết: “Gia đình có 1ha hồng, mỗi ngày phải thuê tới 10 nhân công thu hái. Nhưng sau phân loại, hồng quả loại một chở ra Đà Lạt bán được có 4.000 đồng/kg, còn hồng loại hai chỉ bán được 1.000 đồng/kg. Trừ chi phí công hái, vận chuyển, bình quân cũng chỉ còn được 1.500 đồng/kg”.
Hồng Đà Lạt bị rớt giá thê thảm (Ảnh minh họa)
Nhưng không phải nhà vườn nào cũng bán được hồng quả như gia đình bà Huệ, theo một cán bộ làm việc ở UBND xã Đạ Sar, hộ ông Lơ Mu Ha Jô cùng xã có khoảng 100 cây hồng đang cho trái chín đỏ nhưng lại không có người mua nên đành để mặc cho chim ăn. Các nhà vườn ở đây cho biết, thời điểm đầu vụ (đầu tháng 8) hồng trái bán tại vườn có giá tới 8.000 đến 10.000 đồng/kg, nhưng nay rộ mùa chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Nhiều người xót của, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đã bỏ công thu hoạch hồng quả mang đến bán cho các đại lý thu mua tại địa phương được 2.000đ/kg, còn nếu mang ra tận TP Đà Lạt thì cũng chỉ bán được 3.000 đồng/kg, nhưng lại bị trừ đi 10-15kg/tạ nên không còn ai muốn thu hoạch nữa.
Ông Ya Ti Ông, Chủ tịch UBND xã Đạ Sar, cho biết: “Toàn xã có hơn 150ha hồng ăn quả trồng xen với cây cà phê. Một thời, cây hồng ăn quả là cây xoá đói giảm nghèo của địa phương. Nay, đầu ra cho trái hồng đang gặp bế tắc, nhiều hộ thất thu về trái hồng nên tính đốn bỏ để trồng loại cây khác nhưng xã vận động bà con nên giữ lại”.
Tương tự, ở huyện Đơn Dương, nơi vốn được mệnh danh là “vương quốc” của cây hồng ăn quả, có khoảng 1.300ha canh tác hồng, sản lượng hàng năm lên đến hơn 12.000 tấn cũng đang gặp bế tắc đầu ra.
Chủ vựa Minh Hương (thị trấn D’ran) cho biết: “Cách đây bảy tám năm về trước, vào mùa thu hoạch hồng, các thương lái từ Hà Nội, từ miền Trung vào “cắm chốt” nhờ các vựa thu mua hồng rất nhộn nhịp. Họ đóng thùng, thuê xe chở ra Bắc tiêu thụ, nhưng mấy năm gần đây không còn cảnh đó nữa”.
Hiện mỗi ngày ở Đơn Dương có cả chục xe tải chở cả trăm tấn hồng quả đi TP HCM và các tỉnh tiêu thụ nhưng nhà vườn vẫn bị “ôi” hàng.
Còn tại Đà Lạt cũng chung tình trạng, do hồng quả rớt giá nên nhiều nhà vườn phải chọn cách thu hoạch rồi chế biến thành sản phẩm hồng khô. Nhưng sản lượng nhiều không thể nào chế biến hết, chưa kể mùa thu hoạch hồng ăn quả cũng là mùa mưa, lại chế biến theo lối thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao.
Một số nhà vườn ở xã Xuân Trường thì chọn cách “treo” hồng trên cây để chờ giá lên, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi hồng chín sẽ rụng quả… Ông Hoàng Văn Tâm (41B Hoàng Hoa Thám, TP Đà Lạt), bộc bạch: “Nếu thuê công thu hái phải lo ăn trưa và 2 bữa lỡ hết 200.000 đồng/người/ngày, mỗi người hái được 150 kg/ngày, tính ra mỗi ký hồng chỉ còn 1.500 đồng.
Để bỏ công làm lời, hằng ngày hai vợ chồng ông Tâm tự thu hái mang bán với giá 3.000 đồng/kg, ngoài ra ông còn chế biến thành hồng khô, cứ 5kg hồng tươi cho ra 1kg hồng khô thành phẩm bán được 50.000 – 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, hộ bà Hai Gia (gần nhà ông Tâm), do không có người hái nên bán cụm với 50 gốc hồng với giá chỉ 3 triệu đồng, trong khi 5 năm trước nhà bà bán với giá 20 triệu đồng.
Trái hồng quả vốn được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt, nhưng việc nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ trái hồng đến nay vẫn chưa được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chú trọng, ngoại trừ sản phẩm hồng khô, hồng giòn. Bởi vậy, những năm gần đây quả hồng vẫn luôn bấp bênh và rớt giá, còn nhà vườn thì lại tiếp tục thất thu.